Thị trường que hàn: Hàng nhập khẩu bị đẩy lùi

Từ chỗ phụ thuộc vào nhập khẩu, ngành sản xuất que hàn “nội” hiện không chỉ đáp ứng tới 80% nhu cầu sử dụng trong nước, mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Thị trường que hàn: Hàng nhập khẩu bị đẩy lùi.

Thị trường que hàn tại Việt Nam đã có sự biến chuyển nhanh chóng trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp trong nước đã nắm phần cung cấp chính cho toàn thị trường, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.

Sở hữu 6 công ty thành viên, với 4 nhà máy quy mô lớn tại Hưng Yên, Quảng Trị, Long An và Bình Phước, Công ty CP Tập đoàn Kim Tín hiện là nhà sản xuất và cung ứng sản xuất que hàn, dây hàn, kim loại màu, đinh thép lớn trên thị trường.

Nếu năm 2001, nhà máy đầu tiên của Kim Tín được đầu tư xây dựng, chỉ có công suất 4.000 tấn/năm, thì hiện giờ, hàng năm, Kim Tín đã có năng lực cung cấp vài chục ngàn tấn sản phẩm.

Dự án mới nhất được Kim Tín đưa vào hoạt động vào đầu quý II/2016 là Nhà máy sản xuất Vật liệu hàn Kim Tín Hưng Yên, với 4 dây chuyền hiện đại, hàng tháng cung ứng 1.800 tấn sản phẩm.

Trong số các doanh nghiệp sản xuất que hàn, Công ty CP Phát triển Tân Nam Đô (Tanador) là nhà cung ứng que hàn, dây hàn và vật tư ngành hàn mang thương hiệu NAHAVIWEL, với hệ thống phân phối trên hầu khắp các tỉnh, thành và đã xuất khẩu sang 20 nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Bangladesh, Lebanon, Mauritius, Sri Lanka, Brazil…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Bá Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Nam Đô cho biết, thị trường nội địa đang chiếm tỷ trọng 50% trong cơ cấu tiêu thụ sản phẩm que hàn và dây hàn của Công ty, với sản lượng 400-500 tấn/tháng, đồng thời Công ty sản xuất khoảng 400 tấn que hàn phục vụ xuất khẩu.

“Chúng tôi luôn phấn đấu để cung cấp những sản phẩm vật liệu hàn đạt chất lượng ngày càng cao hơn, ổn định hơn và ở phân khúc sản phẩm tầm trung, Tanador không ngại hàng nhập khẩu”, ông Quốc nói.

Ở phân khúc cao hơn, thị trường que hàn trong nước phần lớn là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, do các công ty thương mại nhập khẩu và phân phối.

Tại phía Bắc, Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức có năng lực cung ứng gần 15.000 tấn sản phẩm/năm.

Theo ông Ngô Bá Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức, nếu chục năm trở về trước, sản phẩm que hàn Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, thì với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, hàng Trung Quốc đã dần lùi bước. Đó là lý do, que hàn của các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã chiếm tới 75-80% thị phần.

Năm 2016, Việt Đức đặt mục tiêu sản xuất 14.000 tấn, gồm 11.000 tấn que hàn và 3.000 tấn dây hàn, doanh thu 281 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng.

Theo đại diện Công ty Que hàn điện Việt Đức, dù cạnh tranh diễn ra trên thị trường ngày càng khốc liệt trên cả ba phương diện chất lượng, giá cả và phương thức bán hàng (trong đó, nguy hại nhất là cạnh tranh từ hình thức bán hàng… không có thuế VAT!) của một số đối thủ trong nước, đặc biệt, một số sản phẩm dây hàn phải trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc, nhưng Công ty cố gắng tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư và nguyên liệu để sản phẩm có thể cạnh tranh được với các chiêu thức không lành mạnh.

Nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất que hàn trong những tháng qua cũng đã được trút bỏ, khi mới đây, Bộ Công thương đồng ý áp dụng quy chế miễn trừ cho các doanh nghiệp khi nhập khẩu thép dây hợp kim dùng để sản xuất vật liệu que hàn, thay vì để nguyên liệu này phải chịu “lây” thuế tự vệ 14,2%, do hầu hết nguyên liệu làm que hàn đều đang nhập khẩu.

Cùng với đó, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã công bố tham gia sản xuất loại thép làm que hàn vào quý III/2016, nhằm giúp doanh nghiệp vật liệu hàn trong nước chủ động được nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

“Nhu cầu thị trường nguyên liệu thép làm que hàn tại Việt Nam khoảng 100.000 tấn/năm, nên Hòa Phát đã đầu tư cải tiến công nghệ để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nguyên liệu thép làm que hàn trong nước (thép cuộn các - bon thấp). Theo đó, khách hàng của Hòa Phát là các nhà sản xuất vật liệu hàn như Việt Đức, Kim Tín, Hữu Nghị, Tân Nam Đô, Đại Tây Dương Việt Nam… đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho hay.

Liên quan việc Hòa Phát cung cấp nguyên liệu làm vật liệu hàn, ông Quốc cho rằng, nếu chất lượng thép nguyên liệu đảm bảo để doanh nghiệp như Tanador sử dụng, giá cả cạnh tranh và cung ứng tốt, không có lý do gì để Tanador lại không dùng hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất..

(Tin đăng ngày: 7/1/2016 8:22:30 PM)


NHÀ PHÂN PHỐI CHÍNH THỨC CỦA

Địa chỉ: Số 01 An Chân, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Điện thoại: 0225.3.972.968.Email: jscnguyenvu@gmail.com